Tư vấn cho khách gói tập 123 buổi, chàng sale hét giá 177 triệu, sau khi giảm giá các kiểu vẫn còn đến 132 triệu. Khi khách hàng không chấp nhận thì ngày hôm sau chẳng buồn quan tâm đến khác, thậm chí là lờ đi như không thấy…
Trong nhiều công việc mà các bạn sinh viên sau khi ra trường có thể lựa chọn thì nghề sale là nghe được coi là một công việc “vừa khó vừa khổ”. Nhiều cái lắc đầu được đưa ra khi nhà tuyển dụng “mở lời offer”, chỉ bởi đó là “việc sale”. Và tất nhiên, đối với hầu hết các sinh viên thì từ “nhân viên sale” nghe nó cũng chả hấp dẫn gì so với các từ như “quản trị viên”, “kiểm soát viên” cả đúng không nào.
Thế nhưng, câu chuyện CEO CleverAds – Nguyễn Khánh Trình đi tập gym dưới đây sẽ cho bạn thấy, nghề Sale là một nghề rất khó và chỉ có người giỏi mới có thể đảm đương được.
Câu chuyện của anh Khánh Trình bắt đầu tại 1 phòng tập X và ngày đến tập anh làm việc với 1 PT kiêm luôn Sale tại đây (PT tức là Personal Trainer có nghĩa là HLV cá nhân). Và câu chuyện của anh cũng sẽ là một kinh nghiệm mà các bạn làm sale cần rút kinh nghiệm cho chính mình.
Đó chính là đừng chỉ chăm chăm nhìn vào ví của khách hàng và tìm mọi cách để “moi” nó ra bằng được. Hãy chân thành với khách hàng của mình, kể cả khi họ từ chối lời mời của bạn. Một thái độ tốt sẽ giúp bạn giữ chân được khách hàng của mình chứ không phải là những mưu mẹo, mánh khóe.
Từ ngày đến phòng tập X, câu chuyện với cậu PT kiêm Saler khiến anh thỉnh thoảng thấy buồn cười khi nghĩ lại.
Cậu PT bắt đầu buổi “sale” với tôi bằng việc hướng dẫn tôi lên máy Inbody để đo đạc các thông số. Tôi đã từng kiểm tra trước đây 1 lần rồi nên nhìn thấy nó cũng không quá ngạc nhiên. Khi có kết quả, cậu ta nói.
“Bây giờ, chúng ta sẽ bắt đầu kiểm tra từng nhóm cơ của anh” – Tôi vui vẻ đồng ý.
Đến phần kiểm tra, cậu cũng khá nhanh nhẹn làm mẫu và yêu cầu tôi làm tại cùng KPI. Tất nhiên là tôi trượt cả.
Đó cũng là chuyện bình thường vì với 1 doanh nhân như tôi thì chuyện tập luyện đâu có diễn ra thường xuyên, chủ yếu là ăn – nhậu. Nhưng cậu thì luôn tỏ vẻ ngạc nhiên bằng ánh mắt, cử chỉ (đã được training trước). Thỉnh thoảng đá xoáy mấy câu khiêu khích cánh mày râu như “Ôi, bác thế này em hỏi thật bác được mấy phút“. Tôi chỉ cười đáp “Còn tùy đối tác nữa em ạ”.
Sau khi hoàn thành quá trình kiểm tra, cậu và tôi ngồi trên chiếc bàn và bắt đầu viết lách, tính toán. Cậu nói khá nhiều đến các con số và không biết rằng người đang nói chuyện với cậu có khả năng tính toán nhân chia cộng trừ nhanh hơn người bình thường và tuy duy logic cũng không phải loại thường.
Tính toán 1 hồi cậu bảo “Để đốt hết 8kg mỡ của anh tương đương 61.600 calo thì anh sẽ cần tập 123 buổi. Không biết kinh tế của anh như thế nào”. Nói đến đây mặt anh hơi ửng đỏ, tôi đoán con số chi phí anh sắp đưa ra khá cao.
“Chi phí cho buổi tập này là 177 triêu.“.
Tôi tỏ vẻ kinh ngạc
“À không, nếu anh quyết định mua trong hôm nay anh sẽ được giảm 10%”
“À anh có xài thẻ bank nào không?”
“Hay quá, vậy anh lại được giảm thêm 10% nữa.”
“Chương trình hôm nay được giảm 5%, tổng là 25%. Vậy là anh chỉ còn 132 triệu thôi”
“Chắc anh cần cân nhắc thêm em à!” Tôi bất ngờ nói.
Cậu ta tỏ vẻ ngạc nhiên và khó hiểu. Không biết mình đã nói gì sai với lý thuyết đã học mà khiến tôi phải cân nhắc thêm.
Đến đây thì tôi quá buồn cười trong bụng, khó kiềm chế được nên xin phép ra về.
Hôm sau cậu ấy nhắn tin hỏi “Hôm nay anh có lên tập không”. Tôi bảo là từ chối, không quên cám ơn và chúc cậu thành công.
Chiều hôm đó tôi lên lại phòng tập X và gặp lại cậu PT đó, tuy nhiên lúc này ánh mắt không còn sáng như lúc mới gặp và cậu coi như không nhìn thấy tôi ở phòng tập nữa!.
Đừng chăm chăm “móc tiền”, đừng “phũ” khi bị từ chối. Quan trọng là sự chân thành với khách hàng!.
Nghề Sale là 1 một nghề phải nói rất khó. Câu chuyện ở trên mô tả 1 phần sự khó khăn trong nghề này nhưng cho bạn thấy có nhiều điểm yếu mà các bạn Saler mắc phải ở phòng tập X.
Muốn thành công trong việc bán 1 sản phẩm đến khách hàng, người sale cần phải có một số điểm như sau:
Khi bạn bán 1 món hàng mà chỉ chăm chăm chú ý đến mục đích cuối là kiếm tiền từ khách hàng thì khả năng cao là bạn chỉ bán được 1 lần mà không có lần sau và không bán được số lượng lớn.
Giá mà cậu chân thành với sức khỏe của tôi sau buổi tư vấn đầu tiên dù tôi đã từ chối thì câu chuyện có lẽ…đã chuyển hướng hoàn toàn khác.
Anh bạn huấn luyện viên cá nhân này được đào tạo khá tốt về các công thức tính toán như calo, giờ tập, nhịp tim….nhưng về mảng tìm hiểu và đánh giá khách hàng thì còn rất kém.
Ngồi đối diện với anh là một người có khả năng tính toán nhanh hơn cậu rất nhiều, đến con số 8×7.700 mà cậu cũng phải loay hoay rồi phải rút điện thoại ra ngồi tính thì làm sao cậu ta có thể đưa ra những thứ logic với tôi được.
Cậu bảo, để giảm cân thì lượng calo cần đưa vào ít hơn calo tiêu thụ. Điều này là đúng nhưng đó chỉ là bước rất cơ bản. Cậu quên mất cơ thể con người là một cỗ máy tuyệt vời, nó còn có khả năng đồng hóa, dị hóa, chuyển hóa khác nhau nữa. Chính vì thế mới có chuyện người “chỉ hít không khí” mà cũng mập. Còn người “ăn cả thế giới” mà vẫn ốm đó thôi.
Giá tập luyện cùng PT tại trung tâm X là 1.4 triệu/giờ. Tức là nếu 1 ngày làm việc 8 tiếng thì cậu có thể thu tới 336 triệu đồng/tháng. Điều này khá là phi lý. Tôi ước lượng rằng, cậu có thể đạt được 1/15 mức thu nhập này với một thái độ tuyệt vời, có thể là một PT tốt nhất (có thể).
Và tôi ước tính, giá 1 giờ tập của cậu chỉ ở mức tối đa là 300 ngàn. Đây là mức dễ bán hơn rất nhiều trên thị trường.
Chân thành và nói, tôi chỉ hơi béo, không được cường tráng cho lắm chứ không phải mắc bệnh hiểm nghèo để chi số tiền 177 triệu đó chỉ để giúp trông được đô con hơn, điều này là khá nực cười. Định giá cho sản phẩm cậu bán ra bị sai lầm.
Khi khách hàng chủ động đến trung tâm thì đó là 1 điều hạnh phúc rất lớn (đặc biệt là người làm sale). Việc giữ chân được họ và sự chân thành là cực kì quan trọng. Tôi chắc chắn rằng những buổi tập thứ 2-3-4 nếu cậu vẫn quan tâm đến vấn đề sức khỏe của tôi như buổi 1 thì tôi sẽ sử dụng dịch vụ PT của cậu. Nhưng thực tế thì không như mong đợi.